Tại sao đầu tư vào nhân viên là yếu tố thiết yếu cho thành công của doanh nghiệp
Tại sao đầu tư vào nhân viên là yếu tố thiết yếu cho thành công của doanh nghiệp – Giữa vô số xu hướng và thay đổi trong văn hóa làm việc hiện nay, sự sụt giảm mức độ gắn kết của nhân viên có lẽ là vấn đề nổi bật nhất năm 2023. Do sự kết hợp giữa các yếu tố nội tại và kinh tế vĩ mô, lực lượng lao động ngày nay dường như ngày càng trở nên xa rời và mất đi cảm hứng với công việc hàng tuần. Hệ quả là chúng ta đang chứng kiến hiện tượng kiệt sức, giảm năng suất và cái gọi là “nghỉ việc trong im lặng”.
Những vấn đề này hầu như luôn bắt nguồn từ một nguyên nhân cốt lõi: sự thiếu đầu tư và quan tâm từ lãnh đạo doanh nghiệp đối với nhân viên. Việc xây dựng một môi trường làm việc lấy nhân viên làm trung tâm giờ đây là nhiệm vụ bắt buộc đối với các nhà lãnh đạo cấp cao. Điều này giúp nhân viên thực sự trân trọng vai trò nghề nghiệp của mình, phát triển kỹ năng và cuối cùng là góp phần tạo nên một văn hóa minh bạch và tiến bộ.
Suy ngẫm (và hiểu rõ) về nhu cầu đang tăng lên
Sự gắn kết và đầu tư vào nhân viên phản ánh một phần của làn sóng thay đổi lớn hơn trong thế giới việc làm hiện đại – một xu hướng được xây dựng dựa trên nhu cầu ngày càng tăng về công bằng, công lý xã hội và sự thấu hiểu sâu rộng hơn đối với những nhu cầu đa dạng của con người. Tôi đã chứng kiến nhiều môi trường làm việc trở nên linh hoạt hơn và quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người lao động, song song với việc theo đuổi các chỉ số hiệu suất chính (KPI) và mục tiêu hàng năm – những giá trị mà tôi cho rằng không thể tách rời với hiệu quả vận hành nội bộ cũng như khả năng phát triển dài hạn trên thị trường.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ rõ rệt giữa sự gắn kết của người lao động và khả năng giữ chân nhân viên trong vô số ngành nghề; các thay đổi văn hóa bền vững có thể góp phần đáng kể vào hiệu suất tổ chức và sự tăng trưởng. Những khoản đầu tư vào con người có thể được triển khai dưới nhiều hình thức đơn giản nhưng hiệu quả, như tăng cơ hội phát triển nghề nghiệp, thường xuyên ghi nhận thành tích, khen thưởng xứng đáng, v.v. Khi ngày càng nhiều doanh nghiệp trở nên linh hoạt hơn và vận hành dựa trên sự tin tưởng cùng tinh thần trách nhiệm của nhân viên, những yếu tố này đang dần trở thành động lực chính cho hiệu quả kinh doanh vượt trội.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải hiểu vì sao những thay đổi này lại quan trọng vượt lên trên lợi ích đơn thuần của tổ chức. Con người chính là trung tâm của hầu hết mọi thành tựu và sự mở rộng của doanh nghiệp; do đó lấy con người làm trọng tâm cũng có nghĩa là nhìn nhận rằng lãnh đạo nhân văn là con đường duy nhất đúng đắn để hiện thực hóa tham vọng tổ chức. Để áp dụng được cách tiếp cận này, lãnh đạo cần sự tự nhận thức sâu sắc và dám từ bỏ những quan niệm sai lầm đã lỗi thời – đặc biệt là quan niệm cho rằng sự đồng cảm với nhân viên có thể khiến họ ít tôn trọng lãnh đạo hơn. Ngược lại, lãnh đạo nên xem sự đồng cảm và tinh thần hướng đến kết quả là hai yếu tố bổ trợ lẫn nhau. Nhân viên chỉ có thể phát huy tối đa năng lực khi họ được hỗ trợ và lắng nghe đúng cách. Dù KPI luôn giữ vai trò quan trọng, nhưng chúng không nên là công cụ để tạo ra một văn hóa thưởng – phạt khắc nghiệt. Nếu không, mọi nỗ lực gắn kết nhân viên rất dễ trở thành hình thức, giả tạo và đi ngược lại với lợi ích thực sự của doanh nghiệp trong dài hạn.
Tạo ra hình mẫu cho tương lai
Việc đầu tư và thể hiện sự thấu cảm nhiều hơn với nhân viên không chỉ giúp cải thiện môi trường làm việc hiện tại mà còn đặt nền móng cho một văn hóa nội bộ lành mạnh, có tầm nhìn xa trong tương lai. Khi một nhà lãnh đạo thực hiện những thay đổi cần thiết đối với văn hóa doanh nghiệp và biến những giá trị này thành điều bình thường, sự thoải mái và năng suất làm việc của nhân viên sẽ theo đó mà cải thiện, tạo nên một vòng tuần hoàn tích cực – trong đó nhân tài hiện tại được hỗ trợ đúng mức, còn nhân tài tương lai cảm thấy hấp dẫn với tổ chức và mong muốn tham gia.
Trong nhiều trường hợp, quá trình này có thể bắt đầu đơn giản bằng việc lãnh đạo lắng nghe nhân viên tốt hơn. Đội ngũ quản lý nên tạo nhiều cơ hội hơn cho sự giao tiếp rõ ràng, phản hồi từ nhân viên và các buổi thảo luận mở về việc cải tiến môi trường làm việc giữa lãnh đạo và nhân viên. Lãnh đạo cần cho thấy rằng việc phản hồi – dù là tích cực hay góp ý xây dựng – đều là một phần quan trọng trong quá trình phát triển chung của công ty. Điều này có thể được triển khai thông qua các buổi gặp gỡ định kỳ 1:1, khảo sát nội bộ, và các cuộc họp nhóm chuyên sâu dành cho thảo luận cởi mở và thiết lập mục tiêu minh bạch.
Cách tiếp cận này nên bắt đầu từ giai đoạn onboarding (hội nhập nhân viên mới) và được duy trì xuyên suốt quá trình làm việc của mỗi nhân viên. Khi những nhân viên này trưởng thành và đảm nhiệm những vai trò mới bên ngoài công ty, nhiều khả năng họ sẽ mang theo những giá trị tích cực này – góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch lành mạnh trong toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp.
Bằng cách đầu tư đúng mực vào nhân viên, các nhà lãnh đạo tổ chức không chỉ nâng cao mức độ gắn kết mà còn tạo ra sự đồng nhất trong văn hóa doanh nghiệp tổng thể, từ đó trở thành hình mẫu cần thiết cho các doanh nghiệp cùng thời. Những thay đổi mang tính cấu trúc như vậy sẽ tiếp tục giữ vai trò thiết yếu khi thế giới kinh doanh bước qua các thử thách thời hậu đại dịch và hướng tới sự cân bằng mạnh mẽ hơn giữa hiệu quả và sự đồng cảm.
Thanh dịch – Forbes