Samsung, Pepsi và các thương hiệu ứng dụng công nghệ AR, AI vào quảng cáo ngoài trời

hhis

Samsung, Pepsi và các thương hiệu ứng dụng công nghệ AR, AI vào quảng cáo ngoài trời

Công nghệ là một “trợ lý” đắc lực cho công việc sáng tạo nếu thương hiệu biết sử dụng nó đúng cách và có chừng mực. Việc tận dụng sức mạnh phi thường của công nghệ vào quảng cáo sẽ chứng minh được năng lực nắm giữ vai trò “đầu tàu” của thương hiệu trong lĩnh vực. Đây còn là chiêu thức hiệu quả giúp thương hiệu mở rộng giá trị, ở lại lâu hơn trong tâm trí người tiêu dùng. Một lưu ý dành cho các nhà sáng tạo: đừng lạm dụng công nghệ mà lãng quên tinh thần cũng như câu chuyện thương hiệu.

Samsung phát minh xe tải an toàn có thể phản ánh giao thông phía trước qua màn hình lớn đặt ở đuôi xe. Pepsi đưa công nghệ thực tế ảo tăng cường vào biển quảng cáo ngoài trời. Tạp chí The Times tái hiện giọng nói của vị tổng thống đã qua đời: John F. Kennedy. IBM dựng phim hoạt hình tĩnh vật với những hạt nguyên tử thực thụ. Cùng khám phá những quảng cáo đáng kinh ngạc từ bốn thương hiệu lớn qua bài viết dưới đây.

1. Samsung – Safety Truck
Tại Argentina, cứ 100.000 người lại xảy ra 12,4 ca tử vong vì tai nạn giao thông mỗi năm, theo Báo cáo thường niên về An toàn đường bộ năm 2014. Argentina cũng được xem là một trong nhiều quốc gia sở hữu những con đường nguy hiểm nhất thế giới. Theo báo cáo, hầu hết các vụ tai nạn đều xảy ra trên đường hai làn trong các tình huống xin vượt xe tải. Samsung nhận thấy thực trạng đau lòng này có thể thay đổi bằng một ý tưởng đơn giản: giúp những chiếc xe đi đằng sau xe tải có thể nhìn được cung đường bị chắn phía trước trước khi quyết định vượt.

hhis

Cụ thể, Samsung đã lắp đặt một camera không dây vào mui xe tải. Chiếc camera có nhiệm vụ ghi hình lại toàn bộ diễn biến giao thông phía trước và gửi dữ liệu đến một màn hình lớn đặt ở phía sau xe tải. Nhờ đó, người lái xe đi phía sau những chiếc Safety Truck có thể đánh giá tốt hơn mức độ an toàn của giao thông phía trước nếu họ xin vượt. Camera của Samsung cũng có thể hoạt động tốt trong điều kiện ánh sáng ngoài trời thấp. Mặc dù có cách thực hiện đơn giản, ý tưởng của Samsung vẫn nhận về nhiều sự chú ý khi chưa từng có thương hiệu nào thử nghiệm điều tương tự trước đó.

“Safety Truck“ được Samsung triển khai từ năm 2016 nhưng hiện vẫn chỉ là mẫu thử nghiệm. Hãng công nghệ cho biết rằng ít nhất họ đã có thể khẳng định phát minh này hoạt động tốt và chắc chắn sẽ cứu sống được nhiều người. Tuy nhiên, người đại diện từ nhãn hàng phát biểu rằng Safety Truck vẫn cần được cải tiến hơn nữa, ví dụ: điều chỉnh ánh sáng màn hình phù hợp với khả năng nhìn của tài xế vào ban đêm, khả năng thích nghi với điều kiện thời tiết xấu,… Ngoài ra, Samsung cho biết ý tưởng cũng cần thực hiện nhiều bài kiểm tra để được mỗi quốc gia phê duyệt nếu muốn áp dụng vào thực tiễn.

Đây không phải là lần đầu tiên Samsung ứng dụng công nghệ trong việc hỗ trợ an toàn khi lái xe. Năm 2014, Samsung đã phát hành ứng dụng “Eyes on the road” tại thị trường Singapore, giúp tự động chặn sóng điện thoại của tài xế ngay khi vận tốc di chuyển của xe vượt trên 20km/giờ.

hhis

Ứng dụng “Eyes on the road“ sẽ chặn sóng liên lạc và gửi tin nhắn thông báo chủ nhân của nó hiện không tiện sử dụng điện thoại

2. Pepsi – Unbelievable
Pepsi Max là thức uống không đường và ít calo của Pepsi, được giới thiệu lần đầu vào năm 1993 tại thị trường Úc, Anh và Ý. Thành phần của Pepsi Max bao gồm nhân sâm và caffein giúp người dùng tỉnh táo hơn so với những sản phẩm khác của hãng. Tiếp nối thông điệp “Live for now” (tạm dịch: Sống cho từng khoảnh khắc) của thương hiệu, vào năm 2014, Pepsi Max đã bắt tay với agency Grand Visual, đưa tinh thần “Không thể tin nổi” (Unbelievable) mà dòng sản phẩm đại diện vào thực tiễn.

Ý tưởng táo bạo về một chiến dịch DOOH (quảng cáo kỹ thuật số ngoài trời) với tương tác thực đã được triển khai, nhằm cung cấp trải nghiệm khó quên và tạo “cú hích” mạnh mẽ về mặt cảm xúc cho khách hàng như cách hương vị độc đáo của Pepsi Max có thể đem lại. Xuất phát từ thực tế rằng chờ xe buýt vốn là khoảng thời gian nhàm chán nhất đối với nhiều người, Pepsi đã đặt các biển quảng cáo DOOH tại một nhà chờ bus trên đường New Oxford (London, Anh). Tích hợp camera và công nghệ AR (thực tế ảo tăng cường), biển quảng cáo mô phỏng một cửa sổ giả, nơi người dùng có thể “tận mục sở thị“ mọi sự kiện không tưởng nhất diễn ra trên đường phố.

Một người bộ hành đột ngột bị tóm lấy bởi xúc tu khổng lồ của một con bạch tuộc ngoi lên từ miệng cống, một con hổ hoang dã thản nhiên dạo bước cùng nhiều người đi bộ trên vỉa hè, người ngoài hành tinh bất ngờ viếng thăm Trái Đất,… Tất cả đều diễn ra đầy kịch tính và lý thú qua “lăng kính“ của tấm biển quảng cáo nhờ công nghệ AR. Để khung cảnh hiển thị trên màn hình sống động và chân thật hơn, đội ngũ sáng tạo đã lắp đặt một bộ cảm biến có tác dụng điều chỉnh ảnh động tương ứng với điều kiện ánh sáng thực tế. Không giấu nổi sự thích thú, người dùng tích cực tương tác cũng như hào hứng chụp ảnh và quay phim lại biển quảng cáo của Pepsi.

hhis

Chiến dịch đã thành công rực rỡ khi thu hút được hơn 8 triệu lượt xem trên YouTube. Trong đó, 3 triệu lượt xem đạt được chỉ sau 5 ngày đăng tải video. Một cơn “sốt” đưa tin về “Unbelievable“ đã xuất hiện tại Brazil và Úc, đưa chiến dịch tiếp cận với hơn 385 triệu người. Doanh số bán hàng của Pepsi Max tăng 35% trong tháng triển khai so với cùng kỳ năm 2013. Ngoài ra, “Unbelievable“ cũng giúp Pepsi mang về hơn 20 giải thưởng, bao gồm giải Đồng hạng mục Out Door tại Cannes Lions 2014.

3. The Times – JFK Unsilenced
Công dân nước Mỹ có lẽ khó có thể quên được ngày 22/11/1963, thời điểm tổng thống John F. Kennedy (JFK) bị ám sát trên đường di chuyển đến bang Dallas (Mỹ). Bài phát biểu mà ông dự định đọc vào ngày định mệnh đó dường như mãi mãi chìm vào trong im lặng. Nhờ sức mạnh của trí tuệ nhân tạo, tạp chí The Times và agency Rothco đã dựng lại giọng nói của tổng thống JFK với bài phát biểu tại Dallas, đem về giải thưởng danh giá: Grand Prix hạng mục Creative Data tại Cannes Lions 2018.

Rothco đã dành nhiều tháng để nghiên cứu và thu thập từng đoạn âm thanh có sẵn của vị tổng thống. Cuối cùng, kết hợp tổng cộng 831 bài phát biểu JFK từng đọc, Rothco tái tạo hoàn chỉnh bài phát biểu ở Dallas từ 60 năm trước mà vị tổng thống chưa từng thực hiện. Đoạn âm thanh đáng kinh ngạc là kết quả của quá trình lựa chọn tỉ mỉ từng âm sắc, làm mịn âm thanh nhằm kết hợp chúng đồng nhất có thể của đội ngũ sáng tạo.

Những người từng chứng kiến vụ ám sát kinh hoàng năm 1963 đã bày tỏ sự xúc động vô bờ khi lần đầu được nghe lại giọng nói của JFK sau gần 1 thế kỷ. Thực tế, “JFK Unsilenced“ thuộc khuôn khổ chiến dịch “Find your voice“ của The Times. Chiến dịch hướng tới độc giả tiềm năng trên toàn thế giới, theo đuổi mục tiêu tái định vị The Times như một tờ báo đại diện cho nhiều tiếng nói khác nhau.

4. IBM – A Boy and His Atom
“A Boy and His Atom” (tạm dịch: “Cậu bé và nguyên tử”) là bộ phim hoạt hình tĩnh vật ngắn được sản xuất vào năm 2013 bởi IBM Research. Đây là tác phẩm đã được trao tặng Kỷ lục Guinness về phim hoạt hình với tĩnh vật nhỏ nhất thế giới, có thể xem như một thành tựu đáng nhớ nhất của gã khổng lồ công nghệ IBM.

Bộ phim kể câu chuyện về một cậu bé được cấu thành từ những nguyên tử li ti chơi đùa với những nguyên tử nhỏ khác. Những hạt nguyên tử liên tục tách ra rồi kết hợp trở lại cơ thể cậu bé giúp cậu có thể tạo ra được nhiều hình dạng thú vị khác nhau. Tuy nhiên, điểm đặc sắc của video không nằm ở nội dung mà chính ở cách tạo nên nó. IBM đã thực sự dựng phim với những “diễn viên” là hạt nguyên tử thật.

Đội ngũ sáng tạo bao gồm bốn nhà nghiên cứu đã phải di chuyển liên tục các phân tử carbon, sử dụng kính hiển vi và một thiết bị có thể phóng đại lên đến 100 triệu lần để lưu lại những hình ảnh chân thực nhất về phân tử và nguyên tử. Mỗi hình ảnh có kích thước 45 x 25 nanomet (1 nanomet bằng 1/1.000.000.000 lần mét). Những hình ảnh này sau đó được ghép lại với nhau liên tục nhằm tạo nên chuyển động, dựng thành một đoạn phim ngắn dài hơn 1 phút. IBM đã tạo ra tổng cộng 242 hình ảnh tĩnh bằng 65 phân tử carbon monoxide, mất hai tuần với hơn 18 giờ mỗi ngày cho bộ phim hoàn thiện.

“Bộ phim là một cách thú vị để chia sẻ kiến thức về quy mô nguyên tử mà không phải truyền tải thông điệp khoa học theo hướng quá trực diện và khô khan”, trưởng dự án Andreas J. Heinrich nói. “A Boy and His Atom” đã đạt hơn 1 triệu lượt xem trong vòng 24 giờ sau khi đăng tải với hơn 27.000 lượt thích.

Theo Deck of Brilliance